1. Thông tin chung
Tên đầy đủ: Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới Cù Lao Chàm – Hội An
Năm công nhận Khu DTSQ thế giới: Ngày 26/05/2009.
Địa chỉ của Ban Quản lý: 03 Nguyễn Huệ, Hội An, Quảng Nam. Điện thoại: 0235 3911 063; Email: khusinhquyenculaocham@gmail.com; Website: khusinhquyenculaocham.com.vn
Tọa độ: 15051’18” đến 16000’00” vĩ độ Bắc và 108017’25” đến 108033’30” kinh độ Ðông.
Tổng diện tích Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An là 33.475 ha, trong đó:
– Vùng lõi 11.560 ha, gồm toàn bộ những đảo nổi và các phân khu chức năng (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ – hành chính và vùng đệm) trong phạm vi Khu bảo tồn biển (KBTB) Cù Lao Chàm, là nơi thực hiện chủ yếu chức năng bảo tồn của Khu DTSQ thông qua hoạt động của KBTB và lực lượng bảo tồn rừng đặc dụng Cù Lao Chàm;
– Vùng đệm 20.350 ha, gồm phần biển bao xung quanh vùng lõi cùng với toàn bộ diện tích hệ thống sông, kênh rạch, ao hồ tự nhiên, vùng đất ngập nước tự nhiên, bãi biển thuộc thành phố Hội An, nơi đây tập trung các hệ sinh thái quan trọng và có tương tác mật thiết với vùng lõi, với vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng nước trước khi ra biển và liên kết sinh thái giữa lục địa – đại đương;
– Vùng chuyển tiếp là phần diện tích tự nhiên còn lại của Hội An với diện tích 1.565 ha, trong đó nổi bật là Khu Phố cổ Hội An – Di sản Văn hóa Thế giới, các làng nghề truyền thống đặc trưng thể hiện sự giao thoa, tương tác giữa con người và thiên nhiên.
Bản đồ phân vùng chức năng và biểu tượng của Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An được trình bày trong Hình 5.1 dưới đây.
Sơ đồ Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An (bên trái) và biểu tượng (bên phải)
Nguồn: BQL KDTSQ CLC-HA, 2019. Báo cáo 10 năm.
2. Tổ chức quản lý Khu DTSQ
3. Các giá trị đa dạng sinh học nổi bật
(i). Đa dạng hệ sinh thái
Vùng đất từ cửa sông Thu Bồn kết nối đến quần đảo Cù Lao Chàm bao gồm các kiểu hệ sinh thái (HST) đặc trưng của vùng cửa sông, ven bờ và biển đảo. Các hệ sinh thái tiêu biển quan trọng bao gồm: HST vùng cửa sông, HST cồn nổi, HST bãi bồi, HST rừng ngập mặn, HST bãi biển, HST thảm cỏ biển, HST thảm rong biển, HST rạn san hô, HST vùng triểu bờ đá, HST rừng nguyên sinh đảo Cù Lao Chàm…
Tài nguyên đa dạng sinh học trong vùng nước của Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An khá đa dạng và phong phú với trên 1.667 loài thuộc 455 họ của 11 nhóm sinh vật chủ yếu và 525,3 ha diện tích các hệ sinh thái tiêu biểu (gồm 311,2ha rạn san hô; 164,1 rừng dừa nước và phi lao; 50 ha thảm cỏ biển (trong đó 17ha ở Cù Lao Chàm) đã được xác định. Tình trạng các hệ sinh thái tiêu biểu không còn duy trì trong tình trạng tốt với độ phủ rừng dừa nước, cỏ biển và san hô sống chỉ đạt ở mức trung bình (đặc biệt ở Cù Lao Chàm), nguồn lợi sinh vật có giá trị cao đã bị khai thác cạn kiệt. Những khu vực có tính đa dạng cao, nguồn lợi phong phú và có các dạng quần xã sinh vật đặc trưng chủ yếu tập trung ở phía Tây Bắc Hòn Lao (Bãi Bắc và Bãi Đâu Tai), Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Lá, Hòn Khô, Hòn Tai, Rạn Mành và Rạn Lá. (KDTSQ CLC-HA, 2019)
Hệ sinh thái rạn san hô
Rạn san hô là các dạng đặc thù của vùng biển nhiệt đới và cũng rất điển hình ở các đảo thuộc Khu BTB Cù Lao Chàm. Một trong những đặc điểm nổi bật ở vùng này tỷ lệ giữa san hô cứng và san hô mềm không có sự phân biệt nhau quá nhiều (san hô cứng chiếm từ 17,3 – 24,9%, san hô mềm từ 13,5 – 20,7%). Các kết quả nghiên cứu ở các thời kỳ khác nhau cho thấy mức độ của san hô được tăng lên rõ rệt, cả về san hô mềm lẫn san hô cứng. Sinh vật sống kèm theo vùng rạn khá phong phú, bao gồm đại diện của các nhóm rong biển, trai, ốc, cầu gai, hải sâm. Đáng chú ý là hầu hết các loài động vật vùng rạn đều là các đối tượng kinh tế chủ yếu của vùng đảo như tôm Hùm, Cầu gai gai ngắn, Hải sâm trắng, ốc Trai, Trai tai tượng, Bàn mai, Trai ngọc… (Hồ sơ đề cử KDTSQ, 2009).
Về san hô cứng, có tổng số 292 loài san hô cứng đã thống kê được. Tầng đá do san hô bồi đắp có các loài trai, bột biển và các loài giun biển sinh sống vì nguồn thức ăn ở vùng này rất phong phú. Các loài san hô cứng được tìm thấy chủ yếu dọc theo bờ biển từ bắc nam và trong dải bờ biển phía đông của các đảo nhỏ và phía bờ tây của đảo chính. Hầu hết san hô sinh trưởng theo các bờ đá ba-zan. Các nguồn nước giàu dinh dưỡng quanh các đảo có các loài hai mảnh vỏ sinh sống ví dụ Gastrochaena và Lithophaga phát triển mạnh và mở rộng và tạo nên bãi đá vôi san hô một cách nhanh chóng. Các loài chính làm phá hủy bao gồm các loài giun (polychaete, sipunculid), tôm (penaeid) và bọt biển (clionid).
Quần xã san hô cứng ở vùng biển nông bao gồm các dòng có vỏ mỏng và hình bán cầu thấp của san hô Faviid thường ít hơn 5m ngang ở hầu hết các điểm phân bố. Mật độ che phu khoảng dưới 10%. Trên các điểm phân bố ở các sườn dốc hơn và có dạng bảng của các loài Acropora có thể đạt đến kích thước 1-3 m. Quần xã này được tìm thấy ở độ sâu 1-3 m và phát triển tốt nhất ở những nơi dốc với nguồn nước tốt và thường xuyên thay đổi.
Quần xã san hô cứng ở vùng biển sâu bao gồm các Porite phân bố rải rác với chiều ngang 0,5 – 2 m. San hô cứng dạng lá bao gồm các chi Pachyseris, Echinopora và Goniopora có dạng lớn hơn các loài sống ở độ sâu 5 – 12 m. Hầu hết các loài san hô ít phổ biến tồn tại ở đây với khu phân bố nhỏ. Gia thể cho san hô sinh trưởng là các bãi đá ba-zan nguyên thủy. Hầu hết các khối san hô đặc lớn được hình thành bởi số lượng lớn các quần thể như Spirobranchus, Gastrochaena, và Lithophaga. Tảo nâu thuộc các chi như Padina, Tubinaria, Sargassum, và Rosenvingia đang cạnh tranh nhau không gian sống với các loài san hô tại hầu hết các điểm với kiểu rạn san hô này. Các loài hai mảnh vỏ thuộc các chi Tridacna squamosa, Pteria, Pinctada, Chama, Spondylus, và Pinna được tìm thấy phổ biến, cùng với các mẫu nghiên cứu ấu trùng của các chi Chân bụng như Trochus và Turbo.
Quần xã san hô mềm ở vùng biển nông bao gồm các tập đoàn lớn của Sarcophyton, Lobophytum, Nepthea và Litophyton. Quần xã này thường được tạo thành từ các tập đoàn rộng 1-4 m, tập trung đông đúc với mật độ gần như phủ kín hoàn toàn. Các chi Klyxum, Cladiella, và Briarium được tìm thấy rải rác trong các tập đoàn nhỏ. Quần xã này thường được tìm thấy ở độ sâu từ 2-10 m trên các sườn dốc. Các quần xã san hô mềm sâu được tìm thấy dọc từ bắc đến nam bờ biển từ 10-25 m. Các họ Nephtheidae (đặc biệt là chi Dendronephtya), Archantogorgiidae, Plexauridae, Gorgoniidae, Elliseriidae và Antipatharia cũng xuất hiện. Các vị trí này có ở một số nơi, nhưng những vị trí đông đúc hơn có thể tìm thấy ở các bãi đá nổi với các loài san hô cứng. Các tập đoàn chủ yếu gắn chặt vào đá trên những tảng đá nhỏ rải rác từ bãi cát đến bãi bùn phía trước rạn san hô có nguồn nước đục. Một vài loài san hô cứng thuộc các chi Stylocoeniella, Leptoseris, Pachyseris Favia, Favites, Porites, Goniopora, và Alveopora cũng xuất hiện ở các tập đoàn nhỏ hơn.
Rừng mưa nhiệt đới
Cù Lao Chàm là một trong số rất ít đảo của cả nước còn giữ được thảm thực vật có độ che phủ tương đối lớn, khoảng 60 – 70%. Kiểu thảm chiếm diện tích lớn nhất là rừng thường xanh cây lá rộng nhiệt đới, phân bố chủ yếu ở độ cao từ 50 m đến 500 m. Đây là kiểu thảm rừng có nhiều cây gỗ quý như Gõ biển, Huỷnh, Lim xẹt… Ngoài gỗ, đây cũng là nơi có nhiều loại lâm sản phụ như song, mây, cây làm thuốc, làm vật liệu xây dựng… Có hai kiểu rừng trên đảo là rừng cây bụi dưới thấp và rừng nguyên sinh trên cao hơn với một số loài cây gỗ lớn. Cả hai loại rừng đều có các loài cây dây leo phong phú. Rừng cây bụi thấp có sự phong phú đặc biệt trên những vùng thấp của đảo, và phía đông của đảo nơi có địa hình dốc với các vách đá chế ngự sóng gió mạnh. Vùng cao hơn và trung tâm của đảo là rừng nguyên sinh.
Ngoài kiểu rừng kín thường xanh như đã nêu ở trên, tại sườn phía Đông của đảo, nơi địa hình rất dốc, lớp đất phủ trên bề mặt hầu như không có, vẫn tồn tại một kiểu thảm thực vật cây bụi và trảng cỏ với những loài đặc trưng như Sến đất, Huyết giác và Cỏ cứng. Tại sườn Tây Bắc, đặc trưng nhất là thảm Phong Lan với loài Huyết Nhung tía gần như thuần loại.
(ii). Đa dạng loài
Vùng lõi Khu DTSQ tại Khu BTB Cù Lao Chàm chứa đựng 311 loài san hô, 311 loài cá, 101 loài rong biển, 5 loài cỏ biển, 159 loài thân mềm, 22 loài giáp xác, 22 loài da gai, 70 loài giun, 124 loài động vật phù du, 240 loài thực vật phù du, đặc biệt là sự xuất hiện của rùa biển và cá heo, ốc tù và, trai tai tượng, bàn mai….
Về thực vật rừng, theo hồ sơ đề cử Khu DTSQ năm 2009, sự đa dạng thực vật rừng bao gồm 499 loài thuộc 352 chi 115 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch (trong tổng số 6 ngành thực vật bậc cao của hệ thực vật Việt Nam) chiếm 1/20 tổng số loài, gần 1/6 tổng số chi và gần 1/2 tổng số họ của thực vật Việt Nam ở độ cao dưới 100m. Trong đó, có 342 loài có ích, tức trên 60% tổng số loài có thể sử dụng vào các mục đích khác nhau; Nhóm cây làm thuốc có 288 loài và ngoài ra còn có 4 loài/nhóm loài cây được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam gồm quần thể 3 cây Ngô đồng đỏ (Firmannia colorate, họ Sterculiaceae) cổ thụ tại dốc suối Tình-Bãi Làng; cây Đa núi cao (Ficus altissima BL, họ Dâu tằm) tại phía Tây đường Quốc phòng, trên sườn Đông đảo Hòn Lao; cây Kén (Casearia grewiaefolia Vent.var. deglabrata Koord &Val, họ Mùng quân) và cây Nánh (Millettia nigrescens Gagnep, họ Đậu Cánh bướm) tại miếu Tổ nghề Yến – Thôn Bãi Hương.
Trong số 499 loài, 81 loài có giá trị sử dụng với người dân, được chia thành bốn nhóm đó là cây lá uống, rau ăn/quả, vật dụng và cây cảnh. Có tới 51 loài thực vật lá uống, nhiên các loài thực vật có vị thuốc này chưa được kết hợp với nhau thành một bài thuốc thực sự, mới chỉ được chế biến thủ công chặt nhỏ và phơi khô. Trong 800 hộ dân đang sinh sống tại Cù Lao Chàm, có 50 hộ thường xuyên khai thác tài nguyên thực vật với mục đích buôn bán, phục vụ nhu cầu khách du lịch (BQL Khu BTB CLC, 2018).
Theo Báo cáo đánh giá 10 năm (KDTSQ CLC-HA, 2019), năm 2018, đã có công trình nghiên cứu và xác định được 15 loài thú thuộc 6 bộ, 12 họ hiện có ở Cù Lao Chàm, trong đó có 2 loài thú quí hiếm cần được ưu tiên bảo vệ là Khỉ vàng (mục IIB – trong NĐ32CP/2006) và Tê tê java (mức EN trong Sách Đỏ Việt Nam 2007). Theo các nghiên cứu ban đầu thuộc dự án Trường Sơn Xanh năm 2019 và tập hợp số liệu đã thống kê, đã định danh được 624 loài thực vật thuộc 418 chi và 130 họ (bổ sung thêm 23 họ và 105 loài) cho khu hệ thực bậc cao trên cạn tại Cù Lao Chàm; Về thú nhỏ, ghi nhận 13 loài thuộc 9 họ; Về lưỡng cư và bò sát ghi nhận 51 loài thuộc 18 họ, trong đó bao gồm 11 loài lưỡng cư thuộc 5 họ và 40 loài bò sát thuộc 13 họ; Về chim thống kê được 33 loài, nâng tổng số loài ghi nhận đến nay tại Cù Lao Chàm lên 43 loài; Về bướm có tổng cộng 88 loài được định loại thuộc 6 họ (đây là một trong những công trình nghiên cứu về bướm đầu tiên tại Cù Lao Chàm) (Hiệp, 2019. Hội thảo khoa học “Kết quả kiểm kê đa dạng sinh học rừng đặc dụng Cù Lao Chàm”. Bài báo đăng trên www.khusinhquyenculaocham.com.vn).
Như vậy, chỉ trong vòng 2 năm nghiên cứu, 9 loài thực vật quý hiếm đã được phát hiện và ghi nhận bổ sung (trước đây chỉ có 1 loài Thiên tuế Rumphi) và ghi nhận 02 loài thú quý hiếm cần ưu tiên bảo vệ.
4. Các giá trị văn hóa nổi bật
Trên toàn Khu DTSQTG có 1.432 di tích, trong đó 1 di tích quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh và 1.358 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố (bao gồm 1.142 di tích trong khu phố cổ và 216 di tích nằm ngoài khu phố cổ) cùng đầy đủ 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể (tiếng nói chữ viết, ngữ văn dân gian, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian). Nghề khai thác yến sào Thanh Châu – Cù Lao Chàm và nghề mộc Kim Bồng đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.
Di sản văn hóa Hội An đã ghi tên Hội An đã được Tổ chức Văn hóa – Khoa học – Giáo dục Liên hiệp quốc UNESCO đưa vào danh mục các di sản Văn hóa thế giới ngày 4 tháng 12 năm 1999 bởi Hội An có các giá trị văn hóa đặc trưng và các nhóm bộ phận cấu thành nổi bật:
– Tổng số di tích – danh thắng trên toàn Thị xã: 1.360
– Di tích kiến trúc – nghệ thuật: 1.273 (93,6%)
– Di tích lịch sử – Cách mạng: 69 (5,0%)
– Di tích khảo cổ: 10 (0,7%)
– Danh thắng: 8 (0,5%)
– Di tích được Bộ VH – TT cấp bằng Di tích quốc gia: 22
– Di tích được tỉnh Quảng Nam cấp bằng: 98.
Một số di tích nổi tiếng:
– Chùa Cầu – Biểu tượng của Hội An: Chùa Cầu (còn gọi là Cầu Nhật Bản, hay Lai Viễn Kiều) được xây dựng từ năm 1693 đến năm 1696, là công trình kiến trúc độc đáo do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng giữa thế kỉ 16.
– Nhà cổ Quân Thắng (số 77, đường Trần Phú): Ngôi nhà có niên đại hơn 150 năm, mang phong cách kiến trúc vùng Hoa Hạ Trung Hoa.
– Nhà cổ Phùng Hưng (số 4, đường Nguyễn Thị Minh Khai): Với tuổi thọ hơn 100 năm, nhà Phùng Hưng có kết cấu độc đáo với phần gác cao bằng gỗ và các hành lang rộng bao quanh, thể hiện sự phát triển về kiến trúc và sự giao lưu giữa các phong cách kiến trúc Á Đông tại Hội An trong các thế kỷ trước đây.
– Hội quán Phúc Kiến (số 46, đường Trần Phú): Tương truyền, tiền thân của Hội quán là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu (bà chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương) vớt được tại bờ biển Hội An vào năm 1697. Tại hội quán Phúc Kiến diễn ra nhiều hoạt động lễ hội thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham gia. Hội quán Phúc Kiến đã được cấp bằng di tích lịch sử – văn hoá quốc gia ngày 17 tháng 2 năm 1990.
– Hội quán Triều Châu (số 157, đường Nguyễn Huy Hiệu): Được Hoa kiều bang Triều Châu xây dựng năm 1845, hội quán thờ Phục Ba tướng quân Mã Viện một vị thần chế ngự sóng gió giúp cho việc buôn bán trên biển được thuận lợi.
– Hội quán Quảng Đông: Hội quán được Hoa kiều bang Quảng Đông xây dựng vào năm 1885, thoạt đầu để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và đức Khổng Tử, sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền của bang.
– Chùa Ông: Chùa Ông được xây dựng năm 1653, đã qua 6 lần trùng tu vào các năm: 1753, 1783, 1827, 1864, 1904, 1906. Chùa Ông có kiến trúc uy nghi, hoành tráng, tại đây thờ tượng Quan Vân Trường (một biểu tượng về trung – tín tiết – nghĩa) nên còn có tên gọi là Quan Công Miếu.
– Quan âm Phật tự Minh Hương: Đây là ngôi chùa thờ Phật duy nhất còn lại giữa khu phố cổ. Chùa thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và một số chư vị Phật, Bồ Tát khác, vì vậy trong những ngày lễ, ngày rằm thường có rất nhiều người đến.
– Nhà thờ tộc Trần: Do một vị quan họ Trần (một dòng họ lớn từ Trung Hoa di cư đến Hội An vào những năm 1700) xây dựng năm 1802 theo những nguyên tắc phong thuỷ truyền thống của người Trung Hoa và người Việt. Nhà thờ tộc Trần là một trong những điểm tham quan điểm tham quan được nhiều du khách quan tâm.
5. Một số hoạt động/mô hình phát triển KT-XH nổi bật
Được công nhận vào năm 2009, sau 14 năm xây dựng và phát triển, Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thúc đẩy chức năng bảo tồn, phát triển và hỗ trợ thông qua sự tham rộng rãi của cộng đồng địa phương. Một số hoạt động bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội nổi bật của Khu DTSQ là i). Mô hình cộng đồng tham gia phục hồi rạn san hô; ii). Mô hình cộng đồng khai thác và bảo tồn cua Đá Cù Lao Chàm; iii). Mô hình cộng đồng nói không với túi nilon tại đảo Cù Lao Chàm; iv). Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng trong rừng dừa nước Cẩm Thanh; v). Mô hình Tiểu khu đồng quản lý Bảo tồn biển thôn Bãi Hương.
Mô hình cộng đồng tham gia phục hồi rạn san hô
Với sự hỗ trợ của các tổ chức MCD, MFF, cộng đồng Cù Lao Chàm đã được tập huấn và tham gia trực tiếp cùng với cán bộ Khu bảo tồn biển thực hiện cấy ghép và phục hồi hơn 48.000 tập đoàn san hô trong phạm vi Khu BTB Cù Lao Chàm. Thông qua quá trình phục hồi, cộng đồng hoàn toàn làm chủ về kiến thức, đặc tính sinh học, sinh thái và công nghệ phục hồi san hô cứng bằng phương pháp tách ghép tập đoàn. Điều này đã bổ sung hữu ích cho nguồn tri thức địa phương và giúp cho người dân giới thiệu và hướng dẫn trực tiếp cho du khách, tạo thêm niềm hứng khởi và tin tưởng của du khách đối việc phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại đây.
Cộng đồng Cù Lao Chàm làm chủ công nghệ phục hồi san hô bằng phương pháp tách ghép tập đoàn
Mô hình cộng đồng khai thác và bảo tồn cua Đá Cù Lao Chàm
Bài học quản lý con cua Đá Cù Lao Chàm (Gecarcoidea lalandii) là một nỗ lực thể hiện tinh thần hợp tác và sáng tạo của người dân đảo Cù Lao Chàm nhằm sử dụng khôn khéo tài nguyên thiên nhiên. Từ chỗ khai thác bừa bãi, người dân đã cùng thảo luận, thống nhất phương thức khai thác cua Đá, con cua Đá giờ đây được bắt theo kích thước, theo mùa, theo số lượng, theo vùng, và được dán nhãn bởi tổ cộng đồng. Đầu năm 2019, tổ cua Đá Cù Lao Chàm chuyển sang hình thức hợp tác xã, mở rộng trách nhiệm, chia sẻ lợi ích và tiếp cận sáng tạo nhằm duy trì và nâng cao giá trị, hiệu quả bảo tồn loài có ý nghĩa kinh tế này. Đây là ví dụ điển hình cho một tổ chức xuất phát từ sự đồng thuận cộng đồng dần dần phát triển theo hướng kinh tế môi trường, kinh tế xanh, kinh tế bảo tồn.
Cua Đá Cù Lao Chàm là động vật biển nhưng sống ở trên rừng, chỉ xuống biển vào thời gian sinh sản để duy trì nòi giống, đồng thời là sinh vật chỉ thị cho sức khỏe của hai hệ sinh thái này. Dưới áp lực khai thác quá mức, sáng kiến xây dựng mô hình cộng đồng bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm được hình thành với mục đích bảo tồn, quản lý quản vững loài cua Đá này. Từ khi thành lập vào năm 2013, Tổ cộng đồng bảo vệ và khai thác bền vững cua Đá Cù Lao Chàm đã đưa ra phương án khai thác cua Đá có kiểm soát về mùa khai thác, số lượng và kích cỡ cho phép kết hợp với dán nhãn sinh thái. Trong 4 năm từ 2013 đến 2016, cộng đồng đã khai thác và dán nhãn sinh thái tổng cộng 18.972 cua Đá, trong đó 12.780 đực và 6.192 cái, và riêng năm 2016, tổng số được dán nhãn là 5.020 con, trong đó 3.582 đực và 1.438 cái; với kích thước trung bình chiều ngang mai cua khai thác 7,9 cm, so quy định tối thiểu 7 cm. Cua Đá được khai thác từ tháng 1/3 đến 31/7 hàng năm với số lượng cho phép khai thác là 10.000 con/năm, trọng lượng bình quân của cua Đá khai thác từ 4 đến 5 con trên một kg, và giá bán tối thiểu là 1.000.000 đồng/kg. Đặc biệt là, trong thời gian 3 năm (10/2016-8/2019), cộng đồng địa phương đã đồng thuận bảo vệ và không khai thác cua Đá nên đã góp phần quan trọng làm phục hồi quần thể cua Đá ở đây.
Bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm đã và đang góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng và cùng xã hội hành động bảo vệ môi trường và động vật hoang dã tại địa phương và quốc gia. Sáng kiến Tổ cộng đồng bảo vệ và khai thác hợp lý cua Đá Cù Lao Chàm đã và đang góp phần vào phát triển du lịch sinh thái tại địa phương. Hình ảnh con cua Đá được dán nhãn sinh thái là thể hiện những nỗ lực rất lớn của cộng đồng với bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường trong Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An.
Mô hình cộng đồng nói không với túi nilon tại đảo Cù Lao Chàm
Khởi đầu tại đảo Cù Lao Chàm vào một thời khắc rất đặt biệt, vào lúc 9 giờ, 9 phút ngày 9 tháng 9 năm 2009, toàn bộ người dân, cán bộ công nhân viên chức, quân nhân trên đảo Cù Lao Chàm chính thức “Nói không với túi nilon”. Sự kiện này đã tạo được tiếng vang, góp phần rất quan trọng trong việc trả lại môi trường tự nhiên trong xanh cho biển đảo và thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách. Hiệu ứng này tiếp tục được lan tỏa trên toàn địa bàn thành phố Hội An và đã mang lại những kết quả đáng kể.
Cộng đồng xã đảo Cù Lao Chàm xách giỏ đi chợ thay túi nilon
Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng trong rừng dừa nước Cẩm Thanh
Rừng dừa tại xã Cẩm Thanh với tuổi đời ngót 200 năm tuổi mang trong mình những giá trị to lớn về một hệ sinh thái phong phú và một cảnh quan thiên nhiên quý giá còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn. Nơi đây đã trở thành một Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng với các hoạt động phong phú cho du khách như trải nghiệm chèo thuyền thúng len lỏi giữa những rặng dừa xanh tốt, chiêm ngưỡng vẻ đẹp bình yên, thơ mộng của dòng sông thanh mát hay thưởng thức văn hóa địa phương thông qua những những tiết mục múa thuyền thúng khéo léo, hấp dẫn và trò quăng chài điệu nghệ, đẹp mắt của những chàng ngư dân xứ Quảng và du khách nhận những món quà lưu niệm vô cùng đẹp mắt từ lá và bẹ dừa. Ngoài chèo thuyền thúng, du khách có thể tham gia hoạt động thuê xe đạp dạo quanh làng đến thăm những ngôi nhà làm bằng tranh tre dừa nước, một nét đặc trưng của ngôi làng cửa biển này hoặc trải nghiệm hoạt động cùng làm những sản phẩm lưu niệm từ nguyên liệu chính từ cây dừa nước và tự tay chọn những món quà thú vị cho bạn bè người thân.
Sau một thời gian dài bị ngủ quên, rừng dừa Cẩm Thanh đang thức dậy, giúp cho những người nông dân Cẩm Thanh sớm thoát nghèo và thêm một lựa chọn hấp dẫn cho du khách khi đến Hội An. Ấn tượng của du khách khi ghé thăm Cẩm Thanh không chỉ dừng lại ở phong cảnh thiên nhiên hiền hòa, tươi đẹp mà còn bởi sự chân tình, nồng ấm của những người dân chất phác, thật thà xứ Quảng. Những con người đang khiến cho Hội An vốn đã đẹp lại càng thân thiện và hấp dẫn hơn trong mắt du khách.
Mô hình Tiểu khu đồng quản lý Bảo tồn biển thôn Bãi Hương, xã đảo Tân Hiệp
Cộng đồng cùng chia sẻ trách nhiệm và lợi ích trong việc quản lý, khai thác hợp lý, bền vững nguồn lợi thủy sản và các giá trị của Khu DTSQTG Cù Lao Chàm – Hội An được thực hiện tại thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, Quảng Nam, do Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với các sở, ban, ngành hữu quan thực hiện.
Dưới áp lực khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản ngư trường truyền thống của ngư dân Bãi Hương, cộng đồng địa phương đã thảo luận về việc lập kế hoạch phân vùng bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học và thành lập Ban Quản lý cộng đồng Bãi Hương với các tổ chức tình nguyện như tổ tuần tra, tổ tự quản và tổ truyền thông, đồng thời, hướng dẫn những người tham gia sản xuất về bảo vệ và phát triển nguồn lợi, môi trường, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững. Giải pháp mà mô hình đồng quản lý hướng tới là thống nhất hoạt động giữa ba khối (khối Nhà nước với nhiệm vụ quản lý vĩ mô, khối các bên liên quan trong hoạt động thực nghiệm khoa học và khối cộng đồng địa phương) đúng theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; kêu gọi cộng đồng cùng tham gia chia sẻ trách nhiệm quản lý và lợi ích với Nhà nước theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng hưởng lợi.
Từ trước đến nay, vấn đề khai thác thủy hải sản trên biển ở các địa phương trong cả nước không có sự phân chia quyền lợi cũng như trách nhiệm cụ thể, dẫn đến tình trạng một số vùng biển gần bờ có nguy cơ cạn kiệt các nguồn lợi thủy hải sản. Vì vậy, việc áp dụng mô hình này nhằm vận động cộng đồng cùng chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm quản lý tài nguyên, môi trường ở Bãi Hương, Cù Lao Chàm theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng hưởng lợi là một giải pháp bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển đảo cần được nhân rộng.
Những bài học từ việc phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng từ Khu sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An.
Qua quá trình hình thành và phát triển loại hình du lịch cộng đồng trong Khu bảo tồn và Khu sinh quyển Cù Lao Chàm, đã đúc kết được một số bài học:
1). Việc phát triển du lịch sinh thái cộng đồng phải dựa trên nền tảng phát huy thế mạnh và tiềm năng về điều kiện tự nhiên, sinh thái, nhân văn của Khu DTSQ.
2). Để cộng đồng thực sự trở thành người chủ của các dịch vụ, họ phải được truyền thông, đào tạo, nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên để phát triển bền vững sinh kế.
3). Chính quyền cần lựa chọn và áp dụng các cách tiếp cận phù hợp để phát triển hài hòa các loại hình dịch vụ sinh thái của doanh nghiệp và cộng đồng.
4). Nâng cao hiểu biết cho cộng đồng và lực lượng hướng dẫn viên về các giá trị dịch vụ sinh thái của Khu sinh quyển để họ có thể truyền tải và định hướng cho các hoạt động của du khách nhằm hướng tới sự phát triển một cách bền vững.